Lượt xem: 664
Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo quyền con người tại địa phương

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở lưu vực sông Hậu, tiếp giáp biển Đông với 72 km bờ biển. Diện tích tự nhiên là 3.311,87 km2. Toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính trực thuộc (08 huyện, 02 thị xã, 01 thành phố) với 109 xã, phường, thị trấn và 775 khóm, ấp. Dân số năm 2020 là 1.195.741 người, trong đó dân tộc thiểu số là 423.830 người, chiếm 35,44% dân số, dân tộc Khmer là 361.016 người, chiếm 30,19%; dân tộc Hoa là 62.386 người, chiếm 5,22%; còn lại 25 dân tộc khác là 428 người, chiếm tỷ lệ 0,036%. Đồng bào các dân tộc thiểu số sống đan xen, đoàn kết, gắn bó với đồng bào Kinh; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Lễ Lôiprotip (Thả đèn nước)

Những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc với Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội,… Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đạt được nhiều kết quả quan trọng; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 1,64% vào năm 2021, kết cấu hạ tầng vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư, xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân: Các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế và đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn và 775/775 khóm, ấp có điện lưới quốc gia; 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh - truyền hình, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân; có 97/109 trạm y tế có bác sĩ, 775 khóm (ấp) có cán bộ y tế, 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 99,6%, trong đó, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là 66,6%. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng hố xí hợp vệ sinh là 95%; phần lớn đất nông nghiệp có hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Đến nay, có 03/10 huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 58/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 72,5%, trong đó có 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, chú trọng. Hiện nay, tỉnh có 06 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật sân khấu Dù Kê, Nghệ thuật sân khấu Rô Băm, Múa Rom Vong, Nhạc Ngũ Âm của dân tộc Khmer, Lễ hội Đua ghe Ngo của người Khmer và Nghề làm Bánh Pía của dân tộc Hoa; có 47 di tích đã được xếp hạng (08 di tích cấp quốc gia và 39 di tích cấp tỉnh); trong đó, có 10 di tích của dân tộc Khmer và 04 di tích của dân tộc Hoa.

Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng

Công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết, các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trong những năm qua, luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Qua đó, đã góp phần bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia và hưởng thụ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Hiện nay, tỉnh đang tập trung cao độ, quyết liệt trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Việc triển khai thực hiện Chương trình có hiệu quả sẽ giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân.…


Qua đó, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn nhận thức đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đặc thù của Đảng, Nhà nước đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số; luôn giữ vững niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không ngừng phát huy ý chí tự lực, tự cường, chăm lo phát triển sản xuất, phấn đấu thoát nghèo, vươn lên khá giàu, nêu cao tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương; chung sức, đồng lòng thi đua phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.


Mặc dù đã được các cấp các ngành quyết liệt triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ phát triển, tuy nhiên thực trạng kinh tế và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn gặp nhiều khó khăn, vẫn còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của tỉnh. Công tác phát triển kinh tế, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc tuy có bước phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra; tốc độ phát triển kinh tế còn chậm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; trình độ nhận thức cũng như việc tiếp thu kiến thức khoa học - công nghệ còn hạn chế, thiếu tư liệu sản xuất.


Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, góp phần đảm bảo quyền con người, cần thực hiện một số nội dung sau:


Một là, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và có cơ chế thực hiện lồng ghép hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Giảm nghèo bền vững và Nông thôn mới.  


Hai là, việc triển khai, thực hiện Chương trình phải có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất; hỗ trợ trực tiếp đến hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, ấp đặc biệt khó khăn.


Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền sâu rộng các chính sách dân tộc; tuyên truyền việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số (tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực, lễ hội của các dân tộc thiểu số...) gắn với phát triển du lịch; vận động xóa bỏ các tập tục lạc hậu.


Bốn là, đầu tư xây dựng, sửa chữa và bổ sung các trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác khám, điều trị bệnh cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở xã đặc biệt khó khăn nhằm tăng khả năng tiếp cận của người nghèo, cận nghèo đối với các dịch vụ y tế có chất lượng, hiện đại gần nơi mình sinh sống; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số.


Năm là, thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số; huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số Việt Nam; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, xây dựng, nhân rộng sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương.


Sáu là, Quan tâm chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ dân trí; đầu tư, nâng cấp, mở rộng trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng dạy và học; duy trì, nâng cao chất lượng công tác chống mù chữ, phổ cập tiểu học, giáo dục trung học cơ sở.


Bảy là, Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương để kịp thời phát hiện và uốn nắn những sai sót trong quá trình thực hiện; đồng thời, nhân rộng và khen thưởng mô hình mới, cách làm hiệu quả.

Sơn Quân










Thông báo mới







Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 64
  • Trong tuần: 917
  • Tất cả: 574282
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
     
     
    Bản quyền thuộc: BAN DÂN TỘC TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 6, đường Trần Hưng Đạo, phường 2, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
    Điện thoại: (0299) 3821 332. Email: bandt@soctrang.gov.vn
    Ghi rõ nguồn Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
    Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lý Rotha, Trưởng ban Ban Dân tộc