Ý nghĩa Lễ Sene Đônta của đồng bào dân tộc Khmer
Từ ngày 29 - 8 đến ngày mùng 01 - 9 âm lịch Khmer hàng năm (đách khe Pho trô both), nhằm vào cuối tháng 9 dương lịch, đồng bào Khmer Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng tổ chức một lễ hội lớn, đó là Lễ Sene Đônta (Lễ cúng ông bà) nhằm tưởng nhớ đến công ơn sinh thành của thân nhân quá cố. Ngoài đem cơm nước đến chùa mời sư sãi tụng kinh, thuyết pháp, bà con còn chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn để dâng cúng gia tiên theo phong tục truyền thống của dân tộc.

Ngày thứ nhất (ngày cúng đón tiếp), mọi người dọn dẹp bàn thờ Phật, tổ tiên và trang trí bó hoa thơm rồi bày bánh trái, nhang đèn... Có gia đình còn mời các vị sư đến làm lễ tại nhà, trước là đọc kinh, dâng cơm, sau là làm lễ cầu siêu cho linh hồn các bậc tiền bối. Theo quan niệm của người Khmer, nếu chỉ cúng vái đốt nhang thôi thì những vật thực ấy sẽ không đến người quá cố, nhưng nếu được các vị sư độ và đọc kinh tụng niệm thì vật thực ấy mới đến được linh hồn người đã khuất. Sau đó, họ gắp thức ăn mỗi thứ một ít để vào chén, đổ trà và rượu vào, đem ra sân để cạnh hàng rào, cắm một cây nhang mời các ma quỷ đã đưa ông bà về ăn ở vui chơi trong ba ngày lễ rồi đưa ông bà về nơi cũ. Đến chiều sau khi tắm rửa, thay quần áo đẹp, họ mời linh hồn ông bà cùng đi vào chùa nghe sư sãi tụng kinh lấy phước và xem múa hát. Vào ngày thứ hai, bà con chuẩn bị cơm nước chung đậu lại đem vào chùa dâng các vị sư, họ đốt nhang bàn thờ mời ông bà cùng đi vào chùa rồi dùng cơm ở đó, bởi họ cho rằng được dâng cơm sư sãi là góp phần kính Phật trọng tăng, sẽ giúp rửa tội cho ông bà mau siêu thoát. Đêm đó họ cũng đến chùa đọc kinh và nghe thuyết pháp rồi xem văn nghệ, thể thao. Ngày thứ ba là ngày cuối, họ vừa đem cơm đi chùa lại vừa tổ chức cúng tại nhà, sau khi đi lễ chùa xong, họ mời bà con chòm xóm cùng đến cúng. Buổi cúng này thường xôm tụ đông đủ gọi là “Sene Chun Đôlta” (cúng đưa ông bà); khấn đủ ba lần xong, họ bới cơm, gắp đồ ăn đổ vào chén, nhưng lần này họ đổ vào thuyền được làm bằng bẹ chuối, mo cau để ông bà đem theo ăn dọc đường cho đến khi về đến nơi cũ. Trên thuyền, họ có treo cờ phướn, hình nộm người ngồi trên đó, có thêm gạo, muối, tiền bạc và khắc hình cá sấu, tắc kè ở đầu và đuôi thuyền đều làm bằng bẹ chuối để tránh tai nạn dọc đường. Xong, họ đem thuyền này thả trên sông hoặc mương, rạch ở gần nhà rồi mời anh em, họ hàng, chòm xóm dùng bữa cơm thân mật.



Dâng thức ăn cho sư sãi là hoạt động chính trong ngày Lễ Đôlta.


Lễ Sene Đôlta được tổ chức sau khi thu hoạch vụ mùa lúa sớm là thời điểm bà con nông dân nhàn rỗi và cũng là giai đoạn các vị sư đang nhập hạ (Chôl Vôssa). Do đó, lễ này không chỉ thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với người đã khuất mà còn thể hiện sự chăm lo đến việc tu học của các vị sư trong những ngày kiết hạ. Thông qua đó góp phần giáo dục con người sống theo đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”, "ăn trái nhớ người trồng cây", là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhất là nhắc nhở chúng ta phải có trách nhiệm đối với ân nhân của mình và mở rộng thêm những tình cảm mang giá trị nhân văn tốt đẹp, đồng thời càng củng cố thêm mối tình giao hảo giữa bà con chòm xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”.


Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, chính quyền, Lễ Sene Đôlta của đồng bào Khmer được tổ chức ngày càng trang trọng, ấm cúng khi đời sống của bà con Khmer ngày càng được cải thiện, không chỉ về vật chất mà đời sống tinh thần cũng được nâng cao. Bên cạnh kết cấu hạ tầng vùng đồng bào Khmer được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn chỉnh, các hộ Khmer nghèo còn được hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, mua nông cụ sản xuất, vay vốn phát triển kinh tế hộ. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của đồng bào Khmer luôn được bảo tồn và phát huy. Năm nay, bà con Khmer càng vui hơn khi Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào được Chính phủ phê duyệt nâng lên tầm Festival toàn quốc, sẽ được diễn ra từ ngày 14 - 17/11 sắp tới tại thành phố Sóc Trăng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thương mại, du lịch... mang đầy bản sắc văn hóa của người Khmer Nam bộ - Sóc Trăng. Đặc biệt, Hội đua ghe Ngo truyền thống được tổ chức trong hai ngày 16 - 17/11 trên dòng sông Maspero, có trên 60 đội tham gia với các nội dung thi đấu nam - nữ đầy kịch tính và hấp dẫn.

Bô Pha


Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 87986248

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.