Quá trình thành lập và hoạt động của cơ quan làm công tác dân tộc ở tỉnh Sóc Trăng

Quá trình thành lập và hoạt động của cơ quan làm công tác dân tộc ở tỉnh Sóc Trăng


1. Thời kỳ năm 1946 - 1960

Cùng với phong trào Thanh niên tiền phong, Thanh niên cứu quốc, Thanh niên giải phóng ở Sóc Trăng; lúc bấy giờ (1946 - 1947) đã giác ngộ một số thanh niên trí thức người Khmer thành lập tổ chức “Du Woăn Khmer” (Thanh niên Khmer). Sau đó đổi thành “Du Woăn much Cha-Nia-Ca-rây”, nghĩa là Thanh niên giải phóng. Đến năm 1948, thành lập “Ủy ban Cao miên tự do” do ông Bách Sơn, Kim Chung là người Khmer phụ trách. Đến năm 1949 tổ chức “Ủy ban Cao miên tự do” được đổi tên thành Hội ủng hộ IS-Sa-Rắc và hoạt động trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Các tổ chức nói trên đều đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng và có hệ thống từ tỉnh đến tận cơ sở. Cụ thể như:

- Hội ủng hộ IS-Sa-Rắc tỉnh Sóc Trăng, lúc bây giờ gồm các đồng chí người Khmer như: Dương Tấn Phát, Huỳnh Văn Ngợi, Lâm Sĩ Pến, Sơn Kiên, Thạch Sên (Tư Thạch).

- Hội của huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng bao gồm: Ông Sơn Chinh (Chủ tịch), ông Trần Long (thư ký hội), ông Cao Son…

- Hội của huyện Thạnh Trị gồm: Ông Trần Huôl, Huỳnh Công Đa, Lý Cuôl là nhà sư.

- Hội của thị xã Vĩnh Châu gồm: Ông Thạch Sước, Năm Giang…

- Hội của huyện Kế Sách gồm: Ông Trịnh Văn Lỵ (là nhà sư làm Chủ tịch Hội), ông Thân Bui (Phó chủ tịch Hội) cùng các ông Thân Thao, ông Sên, ông Bô, ông Eng, ông Tưởng, ông Khéng, ông Trần Long.

Hội của huyện Long Phú gồm: Ông Lý Phi Nê - Chủ tịch, ông Lâm Văn Khươl - Phó Chủ tịch. 

Nhiệm vụ của các tổ chức: Tuyên truyền, phát động, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng; đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp để đồng bào thông hiểu. Củng cố tình đoàn kết, tập hợp các dân tộc, vận động đồng bào, sư sãi Khmer kháng chiến chống Pháp, đào tạo cán bộ Khmer…(theo tư liệu báo cáo thành tựu 40 năm 1945 - 1985 thực hiện chính sách dân tộc của tỉnh Hậu Giang).

Cũng như đồng bào Kinh, đồng bào Khmer, cuộc vận động cách mạng trong đồng bào Hoa cũng diễn ra khá sôi nổi. Cùng với phong trào đấu tranh cách mạng trong đồng bào Hoa, các cấp lãnh đạo địa phương, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức những hình thức thích hợp để vận động phong trào cách mạng trong đồng bào Hoa. Đặc biệt là từ sau Đồng Khởi 1960; song song với việc thành lập Ban Khmer vận, Tỉnh ủy đã chủ trương thành lập Ban Hoa vận để vận động cách mạng trong đồng bào Hoa. Ban Hoa vận tỉnh Sóc Trăng trực thuộc Tỉnh ủy Sóc Trăng, tồn tại và hoạt động trong suốt quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đến sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, Ban Hoa vận trực thuộc Ban Dân vận của Tỉnh ủy. Đến năm 2010, UBND tỉnh giao Ban Dân tộc theo dõi thực hiện Chỉ thị số 501 của Thủ tướng Chính phủ về công tác người Hoa. 

2. Năm 1961 - 1975 

Ban Khmer vận được thành lập đầu tiên vào ngày 15/11/1961 theo Quyết định của Tỉnh ủy Sóc Trăng do ông Thạch Sên làm Trưởng ban; sau đó các ông Thạch Xiệm, Trịnh Thới Cang, Sơn Cọl lần lượt thay thế làm Trưởng Ban và ông Trần Kim Hai, ông Sơn Minh Cảnh làm Phó trưởng ban.

Ban Khmer vận trực thuộc sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và cấp ủy Đảng ở địa phương cơ sở, có một hệ thống tổ chức thống nhất từ tỉnh đến huyện, xã với đội ngũ cán bộ thuộc các thế hệ nối tiếp nhau hoạt động có hiệu quả, gây ảnh hưởng lớn đối với phong trào cách mạng lúc bấy giờ và tạo được niềm tin đối với đồng bào, sư sãi Khmer. 

3. Năm 1976 - 1982

Đến năm 1982, Ban Khmer vận chuyển thành Ban Dân tộc theo Quyết định của Tỉnh ủy Hậu Giang do các ông Huỳnh Cương, Sơn Cọl làm Trưởng ban và ông Sơn Minh Cảnh và ông Lý Sên làm Phó trưởng ban. Trong thời kỳ này Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng được xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy vững mạnh thành hệ thống từ tỉnh đến tận cơ sở và hoạt động ổn định, xuyên suốt. Ban Khmer vận và Ban Dân tộc trực thuộc cấp ủy Đảng có chức năng, nhiệm vụ tham mưu, tuyên truyền, triển khai và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào và sư sãi Khmer. Phối hợp ngành chức năng liên quan tập trung phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là thực hiện xóa đói giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc.

4. Năm 1994 - 2006

Đến ngày 16/3/1994, chuyển thành Ủy ban Dân tộc theo Quyết định số 235/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Đến năm 1999 thành lập Ban Dân tộc theo Quyết định số 451/QĐ-UBND tỉnh ngày 09/9/1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Thời kỳ từ 1994 - 2006 do các ông Lưu Quốc Long, Thạch Minh Sóc, Thạch Tịnh, Lâm Văn Kỷ, Thạch Kim Sêng, làm Trưởng ban và ông Huỳnh Được, Kim Lươl, Lâm Uôl, Lý Lai, Thạch Thal, làm Phó trưởng ban. Ban Dân tộc tỉnh trực thuộc UBND tỉnh có chức năng, nhiệm vụ tham mưu chính quyền về thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Ở cấp huyện: Vẫn duy trì bộ máy làm công tác dân tộc của huyện, thị; mặc dù theo Quy định Thông tư liên tịch số 771 ngày 20/10/1998 quy định ở cấp huyện không có cơ quan làm công tác dân tộc nhưng do yêu cầu của địa phương, tỉnh vẫn duy trì cơ quan làm công tác dân tộc ở cấp huyện đối với những huyện có đông đồng bào đân tộc.

Ở cấp xã: Vẫn bố trí cấp ủy kiêm nhiệm công tác dân tộc ở xã. 

5. Từ năm 2006 đến nay

Ở cấp tỉnh, vẫn duy trì Ban Dân tộc, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng do ông Thạch Kim Sêng, ông Lâm Ren làm Trưởng ban và ông Kim Lươl, ông Thạch Thal làm Phó trưởng ban. Năm 2008, bổ sung thêm bà Thạch Thị Hoa La, ông Dương Sà Kha làm Phó trưởng ban. Năm 2011, Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng do ông Dương Sà Kha làm Trưởng ban và bà Thạch Thị Hoa La, ông Lý Sóc Kha làm Phó trưởng ban. Năm 2012, Ban Dân tộc tiếp tục bổ Sung bà Dương Thị Kim Thúy làm Phó trưởng ban. Năm 2013, Ban Dân tộc tiếp tục bổ sung ông Lý RoTha, Phó hiệu trưởng Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ giữ chức vụ Phó trưởng ban. Năm 2014, Ban Dân tộc tiếp tục bổ sung ông Lý Bình Cang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng giữ chức vụ Trưởng ban Ban Dân tộc. Năm 2015, Ban Dân tộc tiếp tục bổ sung ông Danh Phương, Chánh Văn phòng Ban Dân tộc giữ chức vụ Phó trưởng ban. Năm 2019, Ban Dân tộc tiếp tục bổ sung ông Thạch Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Ban Dân tộc giữ chức vụ Phó trưởng ban. Đến nay, lãnh đạo Ban Dân tộc gồm ông Lý Bình Cang, Trưởng ban và các Phó trưởng ban gồm ông Danh Phương, bà Thạch Thị Kế Rin, ông Thạch Thanh Tùng.


Đặc biệt năm 2009, Ban Dân tộc đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, tỉnh lần thứ nhất thành công tốt đẹp và đưa 30 đại biểu dự Đại hội cấp Trung ương. Cũng trong năm này, Ban Dân tộc được tặng Cờ thi đua đơn vị tiêu biểu xuất sắc của Ủy ban Dân tộc và Huân Chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước tặng. Năm 2014, Ban Dân tộc đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh lần thứ hai thành công tốt đẹp với 254 đại biểu tham dự (Nhiệm kỳ 2009-2014). Đến năm 2016, Ban Dân tộc vinh dự đón nhận Huân Chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước tặng. Hiện nay, Ban Dân tộc đang tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị các nội dung tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu cấp huyện, tỉnh lần thứ ba năm 2019, nhiều năm liền được công nhận là tập thể lao động xuất sắc và chi bộ trong sạch vững mạnh.

Ngày 12 tháng 01 năm 2011, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 01/2011/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng với 15 nhiệm vụ, quyền hạn; trong đó các tổ chức thuộc Ban gồm Văn phòng và Thanh tra, hai phòng chuyên môn là Phòng Chính sách và Phòng Tuyên truyền. 

Ngày 18 tháng 16 năm 2015, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 25/2015/QĐ-UBND về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng với 19 nhiệm vụ, quyền hạn; trong đó các tổ chức thuộc Ban gồm Văn phòng, Thanh tra, Phòng Chính sách Dân tộc, Phòng Tuyên truyền & Địa bàn, Phòng Kế hoạch Tổng hợp. 

Ở cấp huyện, thực hiện theo tinh thần Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18/02/2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc UBND các cấp, quy định được thành lập lại cơ quan công tác dân tộc ở cấp huyện với hình thức phòng Dân tộc - Tôn giáo huyện, thị. Đến năm 2008, khi có Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì cơ quan làm công tác dân tộc ở cấp huyện không còn. Năm 2011, Phòng Dân tộc các huyện, thành phố được thành lập lại theo tinh thần Nghị định số 12/2010/NĐ-CP ngày 26/02/2010 của Chính phủ, có từ 3 - 4 biên chế (riêng có 02 huyện Cù Lao Dung và Ngã Năm đến nay không thành lập phòng Dân tộc vì chưa đủ tiêu chí theo quy định, nên chỉ có cán bộ chuyên trách thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện). Ngày 29/12/2013 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 133/NQ-CP về việc thành lập thị xã Ngã Năm đến tháng 3 năm 2015 đã thành lập phòng Dân tộc thị xã Ngã Năm (hiện nay chỉ còn huyện Cù Lao Dung chưa thành lập được phòng Dân tộc).


Sóc Trăng với đặc thù là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc đã làm cho đặc điểm về văn hóa, xã hội của tỉnh rất đa đạng và đây cũng được xem là một thuận lợi nhưng cũng là một khó khăn lớn cho các nhà quản lý ở cấp hoạch định chính sách phát triển đảm bảo hài hòa giữa các nhóm dân tộc khác nhau. Lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh Sóc Trăng luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình về công tác dân tộc, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc. Để thực hiện được tốt công tác này, tỉnh ta luôn luôn duy trì cơ quan làm công tác dân tộc để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt công tác dân tộc. Có những lúc, cơ quan làm công tác dân tộc ở các tỉnh trong khu vực do yêu cầu phải tinh giảm biên chế, nhưng đối với tỉnh Hậu Giang trước đây cũng như tỉnh Sóc Trăng ngày nay vẫn duy trì tốt bộ máy hoạt động xuyên suốt của Ban Dân tộc để làm tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; đặc biệt, đối với đồng bào DTTS, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ cho đồng bào ổn định cuộc sống và không ngừng phát triển sản xuất, cải thiện đời sống kinh tế ngày càng đi lên.

Nhìn chung, Cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh Sóc Trăng được thành lập khá sớm, có hệ thống tổ chức hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở và được duy trì hoạt động hầu như xuyên suốt qua các thời kỳ cách mạng. Cơ quan làm công tác dân tộc trong tỉnh không những là cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy và chính quyền địa phương về công tác dân tộc, mà còn là chỗ dựa tin cậy của đồng bào các dân tộc, là nơi để đồng bào thổ lộ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình đối với Đảng và Nhà nước; đồng thời cũng là cơ quan tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp.











Thông báo - Hướng dẫn







Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 54
  • Trong tuần: 1 266
  • Tất cả: 576063
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
     
     
    Bản quyền thuộc: BAN DÂN TỘC TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 6, đường Trần Hưng Đạo, phường 2, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
    Điện thoại: (0299) 3821 332. Email: bandt@soctrang.gov.vn
    Ghi rõ nguồn Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
    Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lý Rotha, Trưởng ban Ban Dân tộc