Lượt xem: 617
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương lớn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hợp lòng dân

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta. Vì vậy, trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta đều khẳng định “Giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một trong những nhiệm vụ có tính chất chiến lược của cách mạng Việt Nam”. Đặc biệt, Tại hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành nghị quyết riêng (Nghị quyết số 24-NQ/TW) về công tác dân tộc, có đưa ra quan điểm về chính sách dân tộc, trong đó đặc biệt tập trung vào việc ưu tiên chính sách phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi. Từ đó trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ, ngoài quan tâm phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng quan tâm đến thực hiện chính sách dân tộc nhằm giải quyết tình trạng xóa đói, giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách về mức sống của từng vùng, miền trong đồng bào dân tộc thiểu số, như: Chính sách về xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm (Chương trình 143); chính sách về phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135); chính sách về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Chương trình 134); các chính sách về giáo dục, y tế… Có thể nói, hệ thống chính sách dân tộc được ban hành đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và nguồn nhân lực trong đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục được phát triển.

Tuy nhiên, so với thời kỳ đổi mới hiện nay, mức sống và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn hơn so với các vùng, miền khác. Để tiếp tục khẳng định vai trò và vị trí của công tác dân tộc và chính sách dân tộc được gắn với đường lối chính trị, với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Nghị quyết 88/2019/QH14) với quan điểm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước; tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý... đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tiếp tục thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020 về Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gói tắt là Quyết định số 1719/QĐ-TTg). Có thể nói đây là Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tích hợp các chính sách tập trung về một đầu mối quản lý và khắc phục được những hạn chế bất cập so với các chính sách được đầu tư trước đây.

Đối với thị xã Vĩnh Châu là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70,59% (Khmer 52,85%, Hoa 17,74%) so với tổng dân số chung toàn thị xã. Để triển khi thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, thị xã Vĩnh Châu đã tổ chức rà soát, xác định các xã và ấp, khóm vùng dân tộc thiểu số, xác định xã thuộc khu vực III, khu vực II, khu vực I và ấp, khóm đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025 theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg, ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả rà soát, thị xã Vĩnh Châu có 09/10 xã, phường và 03 ấp thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm đầu rà soát, thị xã Vĩnh Châu có 05/10 xã, phường khu vực III và 07 ấp, khóm đặc biệt khó khăn. Đến nay, thị xã Vĩnh Châu đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nên hiện nay thị xã không còn xã, phường khu vực III, chỉ còn 43 ấp, khóm đặc biệt khó khăn. Nên chính sách đầu tư sẽ có nhiều thay đổi so với lúc ban đầu rà soát. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thị xã Vĩnh Châu đã xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch thực hiện giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Kiểm tra việc triển khai thực hiện CTMTQG phường Vĩnh Phước

Kiểm tra tiến độ thi công Chợ Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải

Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thị xã Vĩnh Châu được đầu tư với tổng số vốn là 32.295,495 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 26.884,506 triệu đồng. Đầu tư cho 05 Dự án, cụ thể:

- Dự án 1: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt với số vốn là 13.717,836 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 12.896,919 triệu đồng.

- Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị với số vốn là 1.222,273 triệu đồng.

- Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc với số vốn là 13.327,239 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 9.607,167 triệu đồng.

- Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (đầu tư cho Tiểu dự án 2: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc) với số vốn là 145 triệu đồng.

- Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình (đầu tư thực hiện Tiểu dự án 3: Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình) với số vốn là 13,147 triệu đồng.

Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp ủy, chính quyền rất quan tâm thực hiện, các công trình đầu tư được phát huy có hiệu quả, được dân đồng tình hưởng ứng. Bên cạnh đó, năm đầu triển khai vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn vấp phải một số khó khăn vướng mắc, nhất là vốn đầu tư cho Dự án 1, như:

1. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là Chương trình lớn mới triển khai thực hiện lần đầu hệ thống văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa đầy đủ, Trung ương chưa ban hành văn bản quy định định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở của Dự án 1 và định mức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng (nội dung số 01 thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 3).

2. Vốn hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán được phân bổ theo nguồn vốn sự nghiệp, nếu giao vốn cho một cơ quan chủ trì thì phải thực hiện các bước đấu thầu qua mạng theo Luật đầu tư công (đối với vốn trên 100 triệu đồng) và định mức hỗ trợ cho từng hộ gia đình sẽ giảm xuống; nếu giao vốn cho các xã, phường chủ trì thì đối với những xã, phường có ít hộ dân được thụ hưởng thì xã, phường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức hợp đồng với các cơ sở cung ứng các vật dụng chứa nước. Vì thực thực tế qua rà soát có những xã, phường chỉ có 1 - 2 hộ có nhu cầu hỗ trợ nước nước sinh hoạt phân tán.

3. Đối với nội dung hỗ trợ đất sản xuất: Theo quy định tại khoản 1, Điều 9, Mục 3, Chương II Thông tư số 02/2022/TT-UBDT, ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc quy định hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất. Trên thực tế trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu không còn quỹ đất công để hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất cho 192 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất. Nếu có quỹ đất công để hỗ trợ cho đồng bào thì phải tính toán đến định canh định cư. Nếu mảnh đất được hỗ trợ mà xa nhà thì sản xuất của đồng bào cũng không mang lại hiệu quả cao, không cải thiện được đời sống.

4. Đối với vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề: định mức hỗ trợ không quá 4 triệu đồng/hộ theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Nếu áp dụng theo khoản 1, điều 5, Thông tư số 15/2022/TT-BTC, ngày 04/3/2022 Bộ Tài chính để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp thì định mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ. Với mức hỗ trợ này so với tình hình thực tiễn hiện nay thì định mức này rất thấp khó để các hộ dân thực hiện.

5. Vốn được phân bổ cho năm 2022 trễ, áp lực về công tác giải ngân rất lớn khó khăn cho các địa phương trong giải ngân kịp tiến độ.

6. Đối tượng thụ hưởng chính sách được rà soát từ năm 2021, đến nay không còn phù hợp và phải tổ chức rà soát lại từ đầu và có nhiều hộ gia đình không được thụ hưởng theo danh sách đã rà soát vào năm 2021, nhất là đối với đồng bào sinh sống ở các xã, phường thuộc khu vực III nhưng không nằm trong địa bàn các ấp, khóm đặc biệt khó khăn.

7. Đội ngũ làm công tác dân tộc rất ít, Phòng Dân tộc chỉ có 03 biên chế, áp lực công việc thì rất nhiều. Nên công tác cho cấp ủy, chính quyền các cấp có lúc còn chậm trễ, hiệu quả đem lại chưa đạt được như mong muốn. Các xã, phường còn rất bỡ ngỡ và lúng túng trong triển khai thực hiện Chương trình vì chưa có kinh nghệm, chưa được tập huấn kiến thức trong triển khai thực hiện, đa số các công việc đều do chuyên viên Phòng Dân tộc làm thay, các xã, phường chỉ cung cấp thông tin như: về dân số, tỷ lệ hộ nghèo của từng ấp...

Từ những khó khăn trên, để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có hiệu quả trong những năm tiếp theo, thị xã Vĩnh châu có một số kiến nghị như sau:

Một là, Trung ương sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, quy định định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở của Dự án 1 và định mức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Hai là, nguồn vốn hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán nên áp dụng theo cơ chế đặc thù, không áp dụng theo Luật đấu thầu. Vì vốn đầu tư nhỏ lẽ cho từng hộ dân, không phải là hàng hóa mua sắm thường xuyên.
Ba là, tăng thêm nguồn vốn chuyển đổi ngành nghề cho Thị xã Vĩnh Châu giai đoạn 2021 - 2025 do 192 hộ không thực hiện hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất.

Bốn là, sửa đổi, bổ sung tăng định mức hỗ trợ chuyển đổi nghề để các hộ dân thực hiện mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp phù hợp với giá thực tế hiện nay.

Năm là, bổ sung biên chế cho Phòng Dân tộc các huyện, thị xã, thành phố đáp ứng so với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.

Dương Minh Trí










Thông báo mới







Thống kê truy cập
  • Đang online: 15
  • Hôm nay: 114
  • Trong tuần: 1 237
  • Tất cả: 574602
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
     
     
    Bản quyền thuộc: BAN DÂN TỘC TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 6, đường Trần Hưng Đạo, phường 2, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
    Điện thoại: (0299) 3821 332. Email: bandt@soctrang.gov.vn
    Ghi rõ nguồn Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
    Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lý Rotha, Trưởng ban Ban Dân tộc