Lượt xem: 1793
Phát triển giáo dục THPT để góp phần xóa đói, giảm nghèo
Phát triển và cải thiện giáo dục trung học phổ thông (THPT) để góp phần xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu chung của Dự án phát triển giáo dục trung học phổ thông (DAGD THPT) với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) triển khai từ năm 2004.
Ðến nay, sau hơn sáu năm, bậc học THPT của các tỉnh khó khăn tham gia Dự án đã có những cải thiện đáng kể về cơ sở vật chất, thiết bị cũng như năng lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; tăng cường cơ hội tiếp cận GD THPT đối với những đối tượng khó khăn.

Dự án giáo dục THPT được triển khai tại 22 tỉnh khó khăn gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Ðác Lắc, Ðác Nông, Ðồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Ðây cũng là những tỉnh có số trường lớp, học sinh và giáo viên THPT thấp, số học sinh là người dân tộc thiểu số cao, chất lượng giáo dục THPT còn nhiều khoảng cách so với các vùng khác. Dự án đã hỗ trợ các điều kiện cải thiện chất lượng GD THPT như: cung cấp sách, tài liệu, trang thiết bị và bồi dưỡng cán bộ giáo viên, cải tiến hệ thống đánh giá học sinh

  THPT bảo đảm chất lượng, hỗ trợ công tác thí điểm và triển khai đại trà chương trình - sách giáo khoa mới. Mặt khác, DAGD THPT cũng nâng cao cơ hội tiếp cận, tính công bằng và sự tham gia giáo dục THPT ở các vùng khó khăn, thông qua việc xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp thiết bị, giúp các trường xây mới, nâng cấp trường, lớp. Ðồng thời, bồi dưỡng tăng cường năng lực dạy học cho giáo viên; hỗ trợ học sinh nữ và học sinh dân tộc thiểu số định hướng nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức thông qua các chương trình thông tin tuyên truyền, giáo dục về kỹ năng sống, về giới, về dân tộc thiểu số... Theo đánh giá của các địa phương, việc xây dựng các công trình trường, lớp học đạt chuẩn đã có tác động tích cực đến việc mở rộng quy mô giáo dục THPT ở vùng khó khăn; tỷ lệ lớp/phòng học giảm, có phòng học bộ môn để thực hành, phòng thư viện đạt chuẩn... góp phần không nhỏ nhằm nâng cao chất lượng GD THPT. Hệ thống trường lớp học theo chuẩn cũng tạo tâm lý phấn khởi cho học sinh, giáo viên và nhân dân, làm cho ngôi trường trở thành trung tâm văn hóa đáng tin cậy trong cộng đồng dân cư, thành ngôi nhà thứ hai của mỗi giáo viên và học sinh.

Ðáng chú ý, DAGD THPT xác định quản lý giáo dục là khâu yếu và cần có những giải pháp đột phá để tác động đến toàn hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục THPT nói riêng. Vì vậy, Dự án coi đó là nhiệm vụ có ý nghĩa để thực hiện mục tiêu phát triển và cải thiện chất lượng giáo dục THPT. Dự án có nhiều biện pháp góp phần tăng cường quản lý giáo dục THPT thông qua tập huấn bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và hiệu trưởng các trường THPT trong toàn quốc để triển khai chương trình và sách giáo khoa mới; đề xuất, thử nghiệm sáng kiến, phương án tăng cường phân cấp quản lý giáo dục THPT. Sáu sáng kiến về tăng cường phân cấp quản lý GD THPT và phương án quản lý trường THPT ngoài công lập do dự án nghiên cứu, thử nghiệm đã được chính thức nghiệm thu, được các cơ quan chỉ đạo áp dụng vào thực tiễn. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục được Dự án triển khai xây dựng một hệ thống thông tin quản lý giáo dục THPT dựa trên học sinh, phục vụ công tác lập kế hoạch và quản lý giáo dục THPT tốt; xây dựng phần mềm bản đồ trường học và cung cấp cho 22 tỉnh dự án, cung cấp thiết bị và bồi dưỡng sử dụng phần mềm thời khóa biểu cho 64 Sở GD-ÐT...

Vụ trưởng, Trưởng Ban điều hành DAGD THPT Trần Như Tỉnh cho biết: Với việc hoàn thành các mục tiêu đặt ra, Dự án đã góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục THPT trong thời gian vừa qua; hỗ trợ giáo dục THPT ở các tỉnh khó khăn rất kịp thời và hiệu quả; góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh cũng như cộng đồng về các điều kiện bảo đảm chất lượng GD THPT. Tuy nhiên, đóng góp của Dự án mới chỉ là sự khởi động ban đầu, vấn đề là làm thế nào để phát triển bền vững kết quả trong thời gian tới, nhất là chuẩn bị cho sau năm 2015 sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo Thanh Sơn
(Báo Nhân dân điện tử)
[TT: NTV]










Thông báo mới







Thống kê truy cập
  • Đang online: 39
  • Hôm nay: 90
  • Trong tuần: 1 304
  • Tất cả: 672767
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
     
     
    Bản quyền thuộc: BAN DÂN TỘC TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 6, đường Trần Hưng Đạo, phường 2, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
    Điện thoại: (0299) 3821 332. Email: bandt@soctrang.gov.vn
    Ghi rõ nguồn Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
    Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lý Rotha, Trưởng ban Ban Dân tộc