Chiều ngày 04/10/2024, tại Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, Đoàn giám sát Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng được thành lập theo Quyết định số 18/QĐ-HĐND ngày 16/8/2024 của Trưởng ban Ban dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè; tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài hệ thống các trường công lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (giai đoạn 2020 - 2024) do đồng chí Danh Phương, Trưởng ban Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng làm Trưởng Đoàn cùng các thành viên của Đoàn giám sát tiến hành làm việc tại Ban Dân tộc. Dự và tiếp Đoàn giám sát có đồng chí Thạch Thị Kế Rin, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc; đồng chí Danh Hoàng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đồng chí là lãnh đạo và công chức thuộc Ban Dân tộc và Sở Giáo dục và Đào tạo cùng dự.
Quang cảnh buổi làm việc
Qua buổi làm việc, Đoàn giám sát đánh giá cao công tác chuẩn bị cũng như công tác phối hợp trong quá trình giám sát; báo cáo đã thể hiện các thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, chi tiết, đảm bảo theo đề cương báo cáo của Đoàn. Giai đoạn 2020 - 2024, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
Ban Dân tộc đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị có liên quan và địa phương đã xây dựng kế hoạch và các công văn, hướng dẫn để triển khai, tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách được triển khai thực hiện tốt đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về chính sách đặc thù hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc bảo tồn, duy trì và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2020 - 2024, đối với chính sách hỗ trợ kinh phí cho người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè, tỉnh đã thực hiện chi hỗ trợ cho 1.258 nhà sư và Achar tham gia giảng dạy cho 30.532 học sinh với tổng kinh phí là 9.430.560.000 đồng; đối với chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên dạy tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài hệ thống các trường công lập, tỉnh đã thực hiện chi hỗ trợ cho 118 giáo viên tham gia giảng dạy cho 4.026 học sinh với tổng kinh phí là 2.525.520.000 đồng. Việc triển khai thực hiện chính sách có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; chủ động triển khai và phối hợp tốt giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan. Việc thanh quyết toán, hỗ trợ đối tượng thụ hưởng chính sách đảm bảo đúng theo quy định…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện các chính sách vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Việc tổ chức các điểm giảng dạy tiếng và chữ Khmer còn khó khăn như phòng học chật hẹp, bàn ghế xuống cấp; thiếu sách giáo khoa phục vụ cho các em học tập; bộ sách giáo khoa dạy tiếng Khmer và tiếng Hoa không còn phù hợp với yêu cầu dạy và học trong tình hình mới; chưa có hướng dẫn cũng như khung chương trình giảng dạy thống nhất cho các điểm tổ chức dạy tiếng và chữ Khmer tại các điểm chùa; một số số địa phương muốn mở lớp dạy tiếng Hoa ngoài các trường công lập nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ chính sách do chưa đúng theo quy định về điều kiện mở lớp...
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Thạch Thị Kế Rin, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc đã cảm ơn và tiếp thu những ý kiến nhận xét, đánh giá của Đoàn giám sát đối với kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương, việc triển khai thực hiện chính sách đạt nhiều kết quả tích cực. Nghị quyết là một chính sách rất thiết thực, kịp thời và hợp lòng dân, góp phần giải quyết được một phần khó khăn cho người dạy chữ và tiếng Khmer trong dịp hè; người dạy chữ và tiếng Hoa trong hệ thống các trường ngoài công lập trong thời gian qua. Qua đó tiếp tục khẳng định tính ưu việc của chính sách và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là lĩnh vực giáo dục dân tộc nhằm bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số; lưu giữ và phát triển văn hóa dân tộc; nâng cao trình độ dân trí; đồng thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng dân trí thấp và vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, làm mất ổn định chính trị - xã hội ở địa phương.
Tại buổi làm việc, đồng chí mong muốn, trong thời gian tới, chính sách được tiếp tục duy trì và triển khai thực hiện trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm đã thực hiện trước đó; tiếp tục phát huy các mặt tích cực đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại. Chính sách triển khai thực hiện trong giai đoạn mới sẽ được điều chỉnh, sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn, qua đó tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, duy trì và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Thành Trúc