Tổng kết đánh giá kết quả việc thực hiện Mô hình điểm “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số”
Quang cảnh Hội nghị tổng kết mô hình điểm “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”
Thực hiện Kế hoạch số 66/KH-BDT ngày 09/8/2024 của Ban Dân tộc về việc tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả việc thực hiện Mô hình điểm “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số”. Chiều ngày 26/9/2024 tại Trung tâm Hội nghị Toàn Thịnh, Ban Dân tộc tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả việc thực hiện Mô hình điểm “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số”. Tham dự Hội nghị có đồng chí Lâm Hoàng Mẫu – Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc; đồng chí Thạch Thị Kế Rin – Phó Trưởng ban Ban Dân tộc; đại diện Lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; đại diện Sở Y tế, Sở Tư pháp; đại diện Lãnh đạo UBND các huyện Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên; đại diện Lãnh đạo Phòng Dân tộc, Phòng Tư pháp, Dân số - Truyền thông & Giáo dục sức khoẻ các huyện Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên; cùng 167 đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm và Nhóm nòng cốt của 03 Mô hình điểm “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số”, các cộng tác viên là các vị Achar, Ban Quản trị các Chùa Phật giáo Nam tông Khmer, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các giáo viên và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS & THPT Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên).
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả việc thực hiện Mô hình điểm “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” và báo cáo tham luận của đại diện các Mô hình điểm xã Viên An (huyện Trần Đề), xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) và Trường PTDTNT THCS & THPT Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên). Qua việc triển khai thực hiện Mô hình điểm đã góp phần tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, thông tin về hệ luỵ và hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ của tuổi vị thanh niên trong đồng bào dân tộc thiểu số. Qua hơn 01 năm triển khai thực hiện mô hình, Ban chủ nhiệm và Nhóm nòng cốt đã tổ chức 80 cuộc tuyên truyền, vận động, nói chuyện chuyên đề liên quan đến giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho trên 1.300 lượt người dân và học sinh tham gia, cấp phát 800 bộ tài liệu tờ bướm, tờ gấp pháp luật, cuốn sách Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, sổ tay hỏi - đáp pháp luật liên quan tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thành viên Ban Chủ nhiệm và Nhóm nồng cốt thường xuyên xuống cơ sở để nắm tình hình, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi tổ chức tảo hôn trên địa bàn, cụ thể Nhóm nồng cốt đã kịp thời vận động và ngăn chặn được 01 trường hợp tổ chức cưới con chưa đủ tuổi kết hôn tại xã Viên An, huyện Trần Đề. Bên cạnh đó, thành viên Nhóm nồng cốt còn đi vận động các trường hợp sinh con chưa đến tuổi kết hôn, đi làm giấy khai sinh để các em được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật trẻ em.
Đ/c Lâm Hoàng Mẫu – Phó Trưởng ban Ban Dân tộc phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lâm Hoàng Mẫu – Phó Trưởng ban Ban Dân tộc rất vui mừng, chào đón toàn thể quý đại biểu và thành viên các mô hình điểm đến tham dự hội nghị, đây là các mô hình điểm được triển khai thực hiện lần đầu trong công tác giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số. Qua 01 năm triển khai thực hiện mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, đánh giá những mặt làm được và chưa làm được, đồng chí Lâm Hoàng Mẫu yêu cầu các đại biểu cần tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến nhất là đối với đánh giá kết quả việc thực hiện mô hình điểm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, cùng thảo luận và đưa ra những giải pháp thực hiện hiệu quả trong thời gian tới, cũng như nhân rộng thêm một số mô hình mới tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao.
Tại Hội nghị các đại biểu là Lãnh đạo của các sở, ngành và Lãnh đạo của UBND các huyện cũng đã thảo luận và phát biểu ý kiến đóng góp, cũng như nêu lên một số khó khăn hạn chế tồn tại trong hoạt động của các mô hình điểm, cụ thể như: một số thành viên mô hình chưa thật sự tâm huyết nên việc tuyên truyền, vận động còn gặp nhiều khó khăn; một số nơi người dân chưa ý thức được hệ luỵ và hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Để thực hiện hiệu quả mô hình điểm trong thời gian tới các đại biểu đề nghị các cấp các ngành cần tiếp tục quan tâm phối hợp mở các lớp hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật về hôn nhân, gia đình và kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên Ban chủ nhiệm, Nhóm nòng cốt, cộng tác viên thực hiện mô hình điểm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Đ/c Thạch Thị Kế Rin – Phó Trưởng ban Ban Dân tộc phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Đ/c Thạch Thị Kế Rin – Phó Trưởng ban Ban Dân tộc ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị, đồng thời đồng chí đánh giá cao những kết quả đạt được của 3 Mô hình điểm Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được triển khai thực hiện trong năm 2023, đạt được kết quả nêu trên là nhờ sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi của Lãnh đạo Sở, ngành tỉnh, UBND huyện Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên và Đảng ủy, UBND xã Viên An, Phú Mỹ, Thạnh Phú và Ban Giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS & THPT Thạnh Phú. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện mô hình còn gặp nhiều khó khăn, nhất là kinh phí hỗ trợ hoạt động của các Mô hình.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Mô hình điểm trong thời gian tới, đồng chí Thạch Thị Kế Rin yêu cầu các đại biểu hội nghị cần quan tâm một số nội dung sau:
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 179/KH-UBND ngày 12/12/2022 của UBND tỉnh Sóc Trăng thực hiện Tiểu dự án 2 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thuộc Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tiếp tục duy trì các mô hình điểm đã hoạt động hiệu quả, đồng thời nghiên cứu nhân rộng thêm một số mô hình mới tại trường phổ thông Dân tộc nội trú và địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Phát huy tốt vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, các vị Achar, Ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên quan tâm kiện toàn nhân sự thành viên Ban chủ nhiệm và Nhóm nòng cốt, ưu tiên thành viên tham gia là người có kinh nghiệm và am hiểu về luật. Định kỳ sơ tổng kết đánh giá kết quả và hiệu quả hoạt động thành viên Ban chủ nhiệm và nhóm nòng cốt thực hiện mô hình điểm.
Đ/c Thạch Thị Kế Rin – Phó Trưởng ban Ban Dân tộc và Đ/c Nguyễn Thanh Phong – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Tú trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện mô hình điểm
Nhằm ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các mô hình điểm, hội nghị đã tuyên dương, khen thưởng 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện mô hình điểm trong thời gian qua.
Đ/c Nguyễn Thị Diện – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh và Đ/c Trịnh Văn Bé – Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện mô hình điểm
Mạnh Xuân